Các ca khúc của Phạm Đăng Khương

Phạm Đăng Khương cập nhật ngày 2024-05-22

Phạm Đăng Khương, vài chuyện thú vị

Sinh trưởng trong một gia đình nghèo của một vùng quê nghèo, trong đầu cậu bé Phạm Đăng Khương luôn khao khát ước mơ đổi đời. Anh luôn phấn đấu để trở thành một thầy giáo như những người thầy mà anh ngưỡng mộ trong suốt quá trình đi học. Chính vì thế mà sau khi tốt nghiệp phổ thông, Phạm Đăng Khương đã thi vào khoa Toán của trường đại học Sư phạm TP.HCM. Ngày anh thi đậu và khăn gói vào Sài Gòn trọ học, cả gia đình nước mắt tiễn đưa. Nhìn bố mẹ rưng rưng niềm hạnh phúc mà lòng anh không khỏi tự nhủ phải thật cố gắng để có thể trả hiếu cho bố mẹ.

Nhưng rồi mọi chuyện không như anh sắp đặt trong đầu. Do sẵn có năng khiếu và niềm ham mê thích âm nhạc, chàng sinh viên trẻ Phạm Đăng Khương đã tham gia vào hầu hết các chương trình ca hát của giới sinh viên, thanh niên. Rồi anh gia nhập CLB Sáng tác trẻ của Thành đoàn tại Nhà văn hóa thanh niên TP.HCM. Những ngày đầu ấy, anh như gặp được mảnh đất màu mỡ để gieo hạt mầm âm nhạc lớn dần trong anh. Rồi sau ngày giải phóng, khắp nơi rầm rộ phong trào “tự biên, tự diễn”, nhất là ở Sài Gòn, anh như cá từ con kênh nhỏ vượt được ra sông lớn, tha hồ vùng vẫy. Anh sáng tác nhiều hơn và liên tục tham gia vào các hoạt động ca hát của giới văn nghệ sinh viên thời bấy giờ.

Dẫu cho thời phổ thông, anh luôn là học sinh giỏi xuất sắc nhất trường, đặc biệt là môn toán, nhưng khi lên đại học, mỗi mùa thi luôn là một nỗi ám ảnh với anh. Còn nhớ, trong lớp có chừng 52 người, thì chỉ có độ trên dưới 20 người đủ điểm 5 để vượt qua các kỳ thi học kỳ. Các bạn học bình thường mà còn “chết lên chết xuống” thì thử hỏi một người có máu văn nghệ, suốt ngày rong ruổi ca hát như anh thì làm sao mà không sợ?

Thành ra, cứ mỗi mùa thi đến là mỗi lần chàng nhạc sĩ trẻ, cũng đang còn là chàng sinh viên lại phải thức trắng đêm ôn bài thi. Nhiều khi tưởng như không thể nào vượt qua nổi, nhưng cứ mỗi lần định buông xuôi là hình ảnh bố mẹ và các em ở quê nhà đất Quảng lại hiện lên trong tâm trí anh, làm động lực để anh cố gắng. Anh nói nửa đùa nửa thật: “Lê lết bốn năm mới ra được trường mà cứ tưởng như bốn thế kỷ dài đằng đẳng vừa trôi qua, phải mong mỏi, trông chờ từng ngày”.

Tuy vậy, cho đến bây giờ nhạc sĩ Phạm Đăng Khương vẫn không thấy hối tiếc điều gì mình đã làm. Không hào hứng theo đuổi con đường sư phạm Toán, ra trường không đi dạy mà trở thành một nhạc sĩ gắn bó với thanh niên, đó đã là niềm mãn nguyện của anh. Cũng bởi thế mà anh đã viết trong bài hát “Con Đường Đến Trường” một câu mà ít ai biết được, hiểu được ý nghĩa thật sự của nó: “Nhớ mỗi mùa thi qua là một lần ghi dấu trong cuộc đời”. Anh đã khiến cho nỗi ám ảnh ngoài đời thực trở nên thi vị trong âm nhạc.

Thông tin tư liệu + Bài viết: Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương và nỗi ám ảnh trong cuộc đời + Tạp chí: Người Đưa Tin + Tác giả: Xuân Tiến + Đường dẫn: