Các ca khúc của Trương Quốc Khánh

Trương Quốc Khánh cập nhật ngày 2024-05-16

Trương Quốc Khánh, vài chuyện thú vị

Về bài hát Tự Nguyện, PGS, TS, nhạc sỹ Thế Bảo– nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc cho biết: Năm 1960, ông học ở Trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam ngày nay). Lúc ấy có phong trào báo tường (mọi người trong các cơ quan, trường học viết báo rồi dán lên tường, còn gọi là bích báo). Có người phụ trách việc này (kiểu như Tổng biên tập vậy).

Nhạc sỹ Hồng Đăng lúc đó là học viên cùng lớp với Thế Bảo, đồng thời được giao phụ trách tờ báo tường này. Ai nấy đều đã nộp bài. Riêng Thế Bảo chưa có, bị Hồng Đăng hối thúc, ông bèn dựa vào ý một bài thơ của Victor Hugo (đại văn hào Pháp thế kỷ thứ 19) để “xào xáo” thành bài thơ của mình. Thế Bảo đến nay không còn nhớ rõ từng câu chữ, nhưng đại ý: Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương. Nếu là đá hãy là đá hoa cương. Nếu là chim hãy là bồ câu trắng. Nếu là người hãy cháy hết mình cho tình yêu .. Hồng Đăng thấy bài thơ có ý hay, sâu sắc, đã gửi đến Báo Văn nghệ.

Với mối quen biết, thân tình của Hồng Đăng với tờ báo này, lại biết Thế Bảo là em ruột nhà thơ Tế Hanh– một tên tuổi lớn khi đó, Báo Văn nghệ đã dễ dàng đăng bài thơ. Ngay sau đó, nhạc sỹ Trương Quang Lục (tác giả bài Vàm Cỏ Đông nổi tiếng), lúc này đang là kỹ sư ở Nhà máy Hóa chất Việt Trì phổ thành bài hát, gửi đến Đài Tiếng nói Việt Nam và cũng được sử dụng. Ca sỹ Trung Kiên đã thu thanh. Tuy nhiên, bài hát không có gì đặc biệt nên đã không đi vào đời sống. Sau một số lần phát sóng, đã chìm vào quên lãng. Chính Trương Quang Lục cũng không nhắc tới bài này mỗi khi kể về sự nghiệp sáng tác của mình.

Mùa xuân năm 1968, trong đợt tổng tiến công và nổi dậy như vũ bão của quân dân ta trên khắp các chiến trường miền Nam, chàng sinh viên trẻ Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn mới ở tuổi 21 Trương Quốc Khánh đã sáng tác nên bài Tự Nguyện. Anh cho biết trước đó từng có lần được nghe qua đài phát thanh bài hát của Trương Quang Lục, nhưng thấy chưa “đã”.

Thế là anh quyết định “viết lại”. Vì khi ấy, Trương Quốc Khánh đang hoạt động trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” của học sinh, sinh viên (cùng các nhạc sỹ khác như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Tuấn Kiệt, La Hữu Vang ..) nên bài hát nhanh chóng được lan truyền.

– Bài viết: Đôi điều ít biết về một bài hát nổi tiếng

– Tác giả: Nguyễn Đình San