Các ca khúc của Bảo Thu

Bảo Thu cập nhật ngày 2024-05-16

Bảo Thu, vài chuyện thú vị

Nhạc sĩ Bảo Thu tên thật là Nguyễn Trung Khuyến, sinh năm 1944 tại Sài Gòn. Về ảo thuật, ông được biết với nghệ danh Nguyễn Khuyến, là một trong số ít ảo thuật gia Việt Nam có bằng ‘Tiến sĩ Ảo thuật’ do ‘Hiệp hội Ảo thuật gia quốc tế’ chứng nhận.

Dạo ấy (khoảng 1965), ở Sài Gòn có nhiều nhạc sĩ mở lò đào tạo ca sĩ. Với ban Việt Nhi, cả khi thu âm ở đài phát thanh hay tập dượt ở nhà riêng của nhạc sĩ Nguyễn Đức, hễ thiếu nhạc công là nhạc sĩ gọi Nguyễn Khuyến đến. Ban Việt Nhi gồm toàn những cô gái tuổi dậy thì (khoảng 14, 15 tuổi), hát rất hay và mắt liếc sắc như dao.

Có một cặp mắt trong ban Việt Nhi làm Nguyễn Khuyến xuyến xao. Nàng tên Tâm (Phương Hoài Tâm), nhỏ hơn Khuyến 5 tuổi, dáng người thanh mảnh với đôi mắt to, long lanh. Mái tóc của Tâm luôn uốn cong cong như một vầng trăng khuyết, che lấp một phần má (sau này Khuyến mới biết, kiểu tóc đặc biệt này là để che một vết sẹo mà tạo hóa đã chơi “khăm” để lại trên má nàng).

Khi đã thân thiết, Khuyến mới biết nhà Tâm ở đường Tôn Đản (quận 4), gần nhà mình. Vậy là ngoài những buổi tập hát ở nhà thầy Nguyễn Đức, đôi bạn còn có dịp cận kề ở nhà của Tâm để “.. Mỗi lần em buông tiếng hát, thì anh tay phím nắn nót cung đàn”.

Bảo Thu tâm sự: “Tôi trở thành nhạc sĩ chính là do Tâm tạo niềm cảm hứng. Tôi nhớ mãi một hôm nàng chợt bảo tôi: “Có khi nào anh hình dung rằng có một người con gái ngồi bên song cửa mơ màng và chợt nhớ đến anh”. Câu nói ấy cứ ám ảnh tôi mãi, và từ ý này tôi ôm đàn viết nhạc, đó là ca khúc đầu tay ‘Ước Vọng Tương Phùng’ ký bằng tên thật. Tưởng viết nhạc chơi cho vui, ai dè ‘Ước Vọng Tương Phùng’ được giải thưởng của đài phát thanh. Có hứng, tôi viết tiếp vài ca khúc nữa nhưng thú thực là không thành công.

Lại một hôm, Tâm hỏi tôi: “Anh đã nghĩ đến chuyện lập gia đình chưa?”. Tôi trả lời mình còn nhỏ tuổi, lại chưa có công danh sự nghiệp gì nên cũng chưa nghĩ đến chuyện vợ con (lúc đó tôi mới 21 tuổi, còn Tâm 16). Chợt Tâm nói nhỏ cho tôi biết là gia đình em đã hứa hôn cho em với một người. Tôi biết nàng ngầm gợi một điều gì đó ở tôi nhưng tôi chẳng biết phải làm sao hơn ngoài sự hụt hẫng, buồn đến nao lòng ..

Thế là tôi viết: “Ngày nào mình chưa quen biết, ngỡ ngàng khi đứng bên nhau. Ngày nay đã mến nhau rồi, vẫn còn nhìn nhau không nói ..” (Đừng Hỏi Vì Sao Tôi Buồn). Lần này tôi ký tên Bảo Thu. Nghệ danh này là do tôi “mượn” từ tên những cô bạn gái: Bích Bảo, Thanh Thu (Đà Lạt) và Xuân Thu (Sài Gòn) ..”

Nguồn tư liệu: + (Những bóng hồng trong thơ nhạc– Kỳ 8: Từ “tiếng hát học trò” đến Giọng ca dĩ vãng) + (Nguyễn Trung Khuyến)