Các ca khúc của Huỳnh Minh Siêng

Huỳnh Minh Siêng cập nhật ngày 2024-05-22

Huỳnh Minh Siêng, vài chuyện thú vị

Khi Lữu Hữu Phước chưa qua đời, trong một lần gặp ông, tôi được ông nói rõ về sự ra đời cũng như số phận đặc biệt của bài hát Tiến Về Sài Gòn.

Theo đó, ngay sau ngày Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập vào ngày 20/12/1960– là kết quả của phong trào đồng khởi khi đó được đẩy lên rất cao mà tiêu biểu là ở tỉnh Bến Tre vào những năm 1959-1960, tiếp theo thành công rực rỡ của bài Giải phóng miền Nam là bài hát chính thức của tổ chức này (Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước/ Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước ..), nhạc sỹ có ý định viết tiếp một bài hát hướng đến ngày cụ thể là giải phóng Sài Gòn để cổ vũ, khích lệ quần chúng khắp miền Nam đứng lên lật đổ chính quyền của Mỹ– ngụy, giành độc lập tự do một cách triệt để (Lưu Hữu Phước rất sở trường sáng tác thể loại chính ca với hàng loạt bài đã ra đời trở nên nổi tiếng trước đó như Lên đàng, Xếp bút nghiên, đặc biệt là bài Tiếng gọi thanh niên– chính quyền của Bảo Đại rồi sau đó là Ngô Đình Diệm lấy làm quốc ca cho chính thể của họ) và đỉnh cao là Giải phóng miền Nam vừa nói.

Nhưng những năm tháng này, ông bận quá nhiều công việc nên đã không thể dồn tâm trí để viết nên bài hát. Đến năm 1966, phong trào chống Mỹ cứu nước ở khắp hai miền Nam, Bắc mỗi lúc mỗi phát triển mạnh hơn, càng thôi thúc Lưu Hữu Phước. Ông cho biết, mặc dù đã gặt hái được những thành công trong quá khứ ở thể chính ca nhưng vẫn “bí” bởi muốn đạt được hiệu quả cao nhất và phải thoát ra được cái bóng của chính mình. Rất nhiều chủ đề âm nhạc được hình thành nhưng không thể phát triển tiếp. Có bài ông đã viết được hết đoạn A nhưng hát đi hát lại thấy chưa ưng ý, đã bỏ đi không thương tiếc.

Sau phải đến mấy tháng tìm tòi ý tứ, khai thác chất liệu âm nhạc, lựa chọn khúc thức rồi sửa chữa, tu chỉnh, cuối cùng Tiến Về Sài Gòn ra đời. Sợ mình chủ quan, ông hát cho nhiều anh em trong cơ quan nghe để xin ý kiến của họ. Tất thảy đều tán thưởng, nhanh thuộc và say sưa hát, ông mới “chốt” bài hát và yên tâm về đứa con tinh thần mới của mình với hy vọng sẽ có sức sống tốt.

Một năm sau– 1967– trong lần ra Bắc công tác, Lưu Hữu Phước trao bài hát cho Quang Hưng, là ca sỹ của Đoàn Văn công Quân giải phóng và đang chuẩn bị cùng một đoàn nghệ thuật Việt Nam sang biểu diễn ở 8 nước XHCN. Với giọng hát Nam Bộ, lại không phải là ca sỹ, Lưu Hữu Phước hát qua cho ca sỹ nghe. Quang Hưng nghe một lần đã “cảm” bài hát và tỏ ra rất vui khi được nhạc sỹ tin tưởng trao gửi tác phẩm nơi mình. Nhạc sỹ nói với ca sỹ:

_ Mình nhờ Hưng hát giúp bài này nhưng đây không phải là một lần tập rồi thu âm bình thường, mà là rất đặc biệt. Và thu xong, không phát bài hát ngay như thông lệ mà để dành. Còn để dành đến bao giờ thì phụ thuộc vào diễn tiến công cuộc kháng chiến của chúng ta.

Quang Hưng hiểu ý và thấy rất hồi hộp.

– Bài viết: Bài hát “Tiến về Sài Gòn” ra đời khi nào?

– Tác giả: Nguyễn Đình San